Lịch sử công nhận Ngày_Quốc_tế_Yoga

Yoga là môn luyện tập thể chất, tinh thần và tâm linh, ra đời cách đây 5.000 năm ở Ấn Độ và hiện nay đã phổ biến khắp thế giới. Nhiều người đã từng đề xuất ý tưởng kỷ niệm Ngày Quốc tế Yoga, trong số đó có lời kêu gọi năm 2011 của Ravi Shankar – một Đạo sư (Guru) về Yoga, thiền đồng thời là một nhà hoạt động nhân đạo quốc tế quan trọng[1]. Tiếp đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, một người có tâm huyết với việc luyện tập Yoga trong nhiều năm, trong năm 2014 đã thuyết phục Liên Hiệp quốc dành một ngày để trở về với môn học cổ xưa này[2]. Ghi nhận lợi ích của môn thể thao này qua nhiều công trình nghiên cứu, ngày 11 tháng 12 năm 2014, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã quyết định chọn ngày 21 tháng 6 (ngày hạ chí) hàng năm là Ngày Quốc tế Yoga[3].

Sau khi Liên Hiệp Quốc thông qua Nghị quyết trên, Ravi Shankar đã ca ngợi những nỗ lực của Thủ tướng Narendra Modi khi tuyên bố rằng: Một triết thuyết, một tôn giáo hay một nền văn hóa rất khó sống sót nếu thiếu sự bảo trợ có tính Nhà nước. Giờ đây, sự thừa nhận chính thức của Liên Hiệp Quốc sẽ tiếp sức quảng bá những lợi ích của yoga tới toàn thế giới[1].

Đề xuất của Liên Hiệp Quốc hiện đã nhận được sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo 177 quốc gia trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc. Giải thích lý do chọn ngày 21 tháng 6, tức là ngày Hạ chí, Thủ tướng Narendra Modi nói: Đó là ngày dài nhất trong năm ở Bắc Bán cầu và có ý nghĩa đặc biệt ở nhiều nơi trên thế giới. Hành giả yoga và nhà thần bí Sadhguru cũng nhận thấy tầm quan trọng của ngày này trong truyền thống yoga: Vào ngày Hạ chí, Adiyoga (hành giả yoga đầu tiên) đã quay về hướng Nam và đưa mắt nhìn các vị Saptarishi (Thất hiền) vốn là môn sinh đầu tiên của ngài mang yoga tới nhiều vùng miền trên thế giới[4].